“Hai thế giới” được ngăn cách bởi một bức tường ở Hà Nội

Sự tăng lên nhanh chóng của giới siêu giàu Việt Nam đồng thời tạo ra nhiều khu đô thị trị giá hàng tỷ USD tại Hà Nội với bức tường ngăn cách giữa cuộc sống của của người giàu và người nghèo.

Khu phức hợp Ciputra International City trị giá hàng tỷ USD tọa lạc ở phía Tây Bắc Hà Nội, bao gồm 300 hecta đất nông nghiệp cũ, với những biệt thự, trường tư thục, các câu lạc bộ và cửa hàng rượu vang hảo hạng. Được bao quanh bởi những bức tường bê tông dày và cổng bảo vệ, đây là vùng đất của sự giàu có – thiên đường của giới thượng lưu nằm ngay tại thủ đô. Bên trong cổng, những con đường rộng xếp đầy những chiếc xe hơi sang trọng, những cây cọ và tượng thần Hy Lạp khổng lồ.

Ở rìa phía Đông của Hà Nội, một khu tương tự đang được xây dựng tại Ecopark, một dự án tư nhân lớn, trị giá 8 tỷ USD. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020, Ecopark hứa hẹn sẽ trở thành một khu phức hợp sang trọng, tách biệt với đầy đủ tiện ích: một trường đại học tư nhân, thị trấn cổ và sân golf 18 lỗ,… Khu vực đầu tiên được đặt tên là Palm Springs – dựa theo khu nghỉ dưỡng ở California, nổi tiếng với suối nước nóng, sân golf và khách sạn năm sao – vừa được hoàn thành.

Các cộng đồng biệt lập theo hướng tư nhân như vậy đang dần trở thành trào lưu ở Đông Nam Á trong 20 năm qua vì bất bình đẳng gia tăng. Nhìn chung, Việt Nam đã ​ giảm nghèo đáng kể – nhưng sự bất bình đẳng thì vẫn đang gia tăng và ngày càng trở nên rõ rệt.

“Trước đây, hầu hết mọi người đều nghèo. Bây giờ thì khác rồi”- anh Lam, 40 tuổi, lớn lên ở làng quê phía tây Hà Nội, giữa cánh đồng lúa và vườn quất, vườn đào. Giờ anh kiếm sống nhờ xưởng bán khung tranh chạm khắc theo yêu cầu. Các cánh đồng đã không còn, bên kia đường, một bức tường bê tông dày đã ngăn cách những người như Lam với khu phức hợp của giới thượng lưu Ciputra.

“Bên này chỉ là người bình dân. Bên đó họ giàu lắm”, bà Miên – 59 tuổi, kê vài cái ghế nhựa bán trà đá, thuốc lá, nước đóng chai và nước ngọt trước cửa nhà. “Ở đây, chúng tôi chỉ đủ sống thôi”, bà nói.

Trên khắp đất nước Việt Nam, tỷ lệ người siêu nghèo đã giảm từ gần 60% xuống chỉ còn hơn 20% trong vòng 20 năm qua. Vào năm 2010, Ngân hàng Thế giới đã phân loại Việt Nam thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tự do hóa nền kinh tế đã khiến số lượng người siêu giàu tăng vọt. Ước tính số người siêu giàu – những người có tài sản hơn 30 triệu đô la – tăng gấp ba lần trong 10 năm qua.

Và không chỉ có sự chênh lệch giàu nghèo giữa người nông thôn và thành thị, mà điều đáng chú ý hơn cả là ở ngay giữa các thành phố lớn, người giàu và người nghèo vẫn sống cạnh nhau. Xe đạp chạy trên cùng một con đường với Mercedes và Range Rovers; các bức tường được dựng lên ngăn cách giữa khu đô thị cao cấp và những ngôi làng, các quán trà đá…

Một cuộc khảo sát nhận thức về bất bình đẳng được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam cho kết quả: Mối lo ngại về bất bình đẳng gây ra bởi di dân đến các đô thị lớn đang ngày càng gia tăng, người dân sẽ phải đối mặt với sự chênh lệch mức sống một cách rõ rệt.

Hà Nội và rãnh sâu bất bình đẳng

Hà Nội – thành phố cổ với hơn nghìn năm lịch sử, đang nằm trong bản kế hoạch đổi mới. Dù các con phố vẫn mang tên cái tên cũ: Hàng Bạc (bán vàng bạc), Hàng Gai (bán lụa), Hàng Bồ (bán giỏ),… thì hàng ngàn người dân sẽ phải di cư ra khỏi khu vực phố cổ vào năm 2020.

Ở vùng ngoại ô, các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày một dày, các dự án khổng lồ đang thay cho đất nông nghiệp. Các khu tập thể cũ đang bị thay thế bởi các khu chung cư tư nhân. Ở trung tâm thành phố, những thanh niên tuổi đôi mươi, khoe những chiếc Vespa cổ điển, sáng bóng, trong khi nhâm nhi cà phê tại các nhà hàng sang trọng.

Lisa Drumond, một giáo sư nghiên cứu đô thị tại Đại học York ở Toronto, đã nghiên cứu về Hà Nội trong nhiều thập kỷ. Cô nói rằng có một sự rạn nứt đang tồn tại giữa người giàu và người nghèo trong thành phố – thứ bất bình đẳng mà chính Ciputra và Ecopark đang phản ánh.

Bên trong Ciputra, các biệt thự được sơn màu be bao bọc bởi những khu vườn xanh tốt – với mức giá thuê lên tới 91 triệu đồng mỗi tháng (gấp 25 lần tiền lương tối thiểu). Một thế giới tự túc, với kiến ​​trúc phục hưng Hy Lạp, sân tennis, thẩm mỹ viện và bưu điện. Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc hoàn thành vào năm 2004, tiếp theo là hai trường tư thục khác và một trường mẫu giáo tư thục. Một trung tâm mua sắm lớn và một bệnh viện tư nhân đang trong quá trình xây dựng.

Ciputra xây dựng vào đầu những năm 2000 với sức chứa lên tới 50.000 người. Khu phức hợp này là dự án phát triển thị trấn mới đầu tiên của Hà Nội, và là dự án đầu tiên ở nước ngoài của Tập đoàn Ciputra – một tập đoàn Indonesia, chuyên phát triển bất động sản quy mô lớn và thị trấn tư nhân.

Được thiết kế một cách biệt lập sao cho cư dân hiếm khi cần phải rời đi – hoặc tương tác với thế giới xung quanh – công ty này cho biết khu phức hợp Hà Nội mang đến một cuộc sống, kinh doanh, mua sắm, giải trí tốt nhất tại một địa điểm hàng đầu.

Danielle Labbé là giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Montreal, đã theo dõi sự bùng nổ của các khu đô thị mới được quy hoạch tổng thể ở thành phố Hà Nội trong nhiều năm. Cô ước tính có khoảng 35 trong số các dự án này đã hoàn thành ở Hà Nội, với hơn 200 dự án ở các giai đoạn khác nhau. Labbé nói: “Tất cả các dự án đều có chung một thị trường mục tiêu chính: những người giàu có nhất trong thành phố”.

Thực tế là những dự án này, nhà ở và môi trường sống được xây dựng, về cơ bản nằm ngoài khả năng tiếp cận của đa số người dân, mặc dù cầu đối với nhà ở đô thị ở Việt Nam rất lớn. 

theo The Guardian