Fan kêu gọi nói không với vé chợ đen AFF Cup 2018: Lời từ chối thỏa hiệp với những kẻ trục lợi trên tình yêu của người hâm mộ

Ai cũng muốn được vào sân Mỹ Đình để tận hưởng ngày hội bóng đá, nhưng số lượng vé thì có hạn. Thế nhưng, người hâm mộ không muốn tình yêu đó bị phe vé lợi dụng để đẩy giá vé chợ đen lên tới gấp 4-5 lần.

Sáng 30/11, nhiều người dân đã đến từ rất sớm để nhận vé từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam sau cuộc chiến “săn vé” online. Ảnh: Anh Tú

Đúng như dự đoán, vé cho trận lượt về AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines trên sân Mỹ Đình đã tiếp tục tạo nên cơn sốt. Liên đoàn bóng đá Việt Nam ( VFF ) dù đã thay đổi cách thức bán vé từ trực tiếp sang online thế nhưng vẫn không tránh khỏi những trục trặc và bất tiện cho người hâm mộ. Những người đã sở hữu tấm vé sau khi thao tác thành công bỗng chốc trở thành những người may mắn.

Còn những người kém may mắn hơn, không mua được vé online mà vẫn muốn vào sân thì sao? Và đây chính là lúc mà những tên phe vé bắt đầu hoạt động. Nhiều cổ động viên đành tặc lưỡi đồng ý bỏ ra một số tiền lớn hơn rất nhiều giá tiền chính thức để được vào sân Mỹ Đình cổ vũ đội tuyển.

Thế nhưng, không phải người hâm mộ nào cũng chấp nhận để tình yêu của mình bị đem ra lợi dụng, làm miếng mồi cho những kẻ trục lợi như vậy. Trên nhiều diễn đàn, các hội nhóm cổ động viên đã có những lời kêu gọi người hâm mộ nói không với phe vé.

Trên trang fanpage Hải Phòng FC, admin của trang đã kêu gọi mọi người đứng lên tẩy chay phe vé, nói không với vé chợ đen, sẵn sàng hy sinh việc vào sân cổ vũ ở trận bán kết lượt về để bày tỏ chính kiến rõ ràng của mình.

Fan kêu gọi nói không với vé chợ đen AFF Cup 2018: Lời từ chối thỏa hiệp với những kẻ trục lợi trên tình yêu của người hâm mộ - Ảnh 2.

Lời kêu gọi tẩy chay phe vé từ trang Hải Phòng FC

Rõ ràng, vẫn còn rất nhiều cổ động viên từ chối thỏa hiệp với những kẻ trục lợi dù cho họ có thể sẽ phải bỏ lỡ việc được chứng kiến một khoảnh khắc tỏa sáng của những ngôi sao mà mình mến mộ. Vì điều đúng thì không thể cúi đầu trước những sai trái.

Lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi từng nói: “Mọi sự thỏa hiệp đều dựa trên sự cho và nhận thế nhưng không thể nào là sự cho và nhận dựa trên các nguyên tắc cơ bản. Gần như bất cứ sự thỏa hiệp nào đều là sự đầu hàng”.

Có lẽ nói một cách chính xác hơn, không phải thỏa hiệp mà suốt một thời gian dài, chúng ta đang đầu hàng trước cái sai. Còn nhớ ở trận đấu với Malaysia ở vòng bảng, những tay phe vé, “cò” sẵn sàng hét giá 1 triệu đồng/3 người để vào sân và không ngần ngại tuyên bố đã thành thạo những công việc đưa khán giả đi cửa chui vào sân.

Fan kêu gọi nói không với vé chợ đen AFF Cup 2018: Lời từ chối thỏa hiệp với những kẻ trục lợi trên tình yêu của người hâm mộ - Ảnh 3.

Nhiều kẻ cơ hội luôn sẵn sàng trục lợi trên tình yêu của người hâm mộ với Đội tuyển Quốc gia. Ảnh: Tiến Tuấn

Vậy mà trước giờ bóng lăn vẫn còn rất nhiều cổ động viên chấp nhận bỏ ra những số tiền như vậy để vào sân dù không chắc là mình còn chỗ ngồi hay không. “Sống lâu trong cái khổ, Mị quen rồi”, đó là câu văn quen thuộc của nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Thế nhưng có lẽ câu ấy lúc này phải sửa thành “Sống lâu trong cái sai, chúng ta quen rồi”.

Còn cựu HLV đội tuyển Argentina Cesar Menotti thì từng nói một câu kinh điển: “Bóng đá là ánh xạ của cuộc đời”. Và từ những câu chuyện nổi cộm xoay quanh một trận túc cầu, vấn đề được phản ánh còn vượt xa khỏi khuôn khổ của một trái bóng tròn.

Ừ thì, sống lâu trong cái sai, chúng ta quen rồi, không chỉ là địa hạt (lĩnh vực) thể thao như bóng đá.