F-35 sẽ “tan xác” trong không chiến, nếu Mỹ không rút ra bài học từ thảm bại của F-105 ở Việt Nam

F-35 sẽ "tan xác" trong không chiến, nếu Mỹ không rút ra bài học từ thảm bại của F-105 ở Việt Nam

Không quân Mỹ đưa vào biên chế tổng cộng 833 “Thần Sấm” F-105 nhưng đã mất ít nhất 334 chiếc trên chiến trường Việt Nam giai đoạn từ 1965 đến 1970.

F-35, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 được phát triển theo Chương trình Máy bay Tấn công Liên hợp (JSF) của Quân đội Mỹ không đủ độ cơ động để có thể đánh bại một chiếc F-16 già cỗi hơn trong một cuộc không chiến giả định.

Đó là kết luận được rút ra từ kết quả đánh giá chính thức của một phi công bay thử nghiệm mà trang mạng War Is Boring được quyền tiếp cận.

Vậy làm thế nào để F-35, theo kế hoạch, sẽ trở thành loại máy bay chiến đấu với số lượng đông đảo nhất trong Không quân Mỹ, có thể sống sót khi phải đương đầu với những đối thủ sở hữu các máy bay linh hoạt hơn của Nga và Trung Quốc?

Lịch sử có thể sẽ có câu trả lời. 50 năm trước, Không quân Mỹ đã từng trải qua tình trạng tương tự. Thời điểm đó, “Thần Sấm” F-105, cường kích – bom hạng nặng công nghệ cao, loại máy bay chiến đấu chủ lực của KQ Mỹ, cũng giống như F-35 bây giờ, được đánh giá là có đủ khả năng đánh bại máy bay đối phương.

Tuy nhiên trong thực tế, F-105, giống như F-35, đã tỏ ra quá chậm chạp, không thể đương đầu với các máy bay MiG-21 do Nga chế tạo – đối thủ chính của nó ở giai đoạn đó. Không quân Mỹ đã buộc phải điều chỉnh một số chiến thuật đặc biệt để giúp F-105 sống sót. Điều tương tự có lẽ cũng sẽ phải thực hiện với F-35.

F-35 sẽ tan xác trong không chiến, nếu Mỹ không rút ra bài học từ thảm bại của F-105 ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình F-35. Ảnh: The Guardian

F-35 và F-105 có những điểm giống nhau tới mức đáng kinh ngạc. “Cả F-105 và JSF đều là những máy bay chiến đấu kích cỡ lớn, một ghế ngồi, một động cơ, trang bị những động cơ mạnh nhất của thời đại, và với trọng lượng rỗng khoảng 13.000 kg, sải cánh 10,7 m – giống nhau gần như tuyệt đối”, Carlo Kopp, chuyên gia hàng không vũ trụ Australia đưa ra so sánh năm 2014.

“Cả hai đều có khoang vũ khí bên trong và nhiều giá treo bên ngoài để treo thùng dầu phụ và vũ khí”, Kopp cho biết. “Cả hai đều được thiết kế để đạt được bán kính tác chiến 740 km. Nhưng chiếu theo các tiêu chuẩn ở từng thời đại thì chẳng loại nào đạt được khả năng cơ động của các máy bay chiếm ưu thế trên không và tiêm kích đánh chặn”.

Không quân Mỹ đưa vào biên chế 833 chiếc F-105 nhưng mất ít nhất 334 chiếc trên chiến trường Việt Nam giai đoạn từ 1965 đến 1970. Theo Carlo Kopp, các máy bay MiG của Quân đội Nhân Dân Việt Nam đã bắn hạ được 22 chiếc “Thần Sấm”.

Năm 1969, Không quân Mỹ cho tiến hành các cuộc không chiến mô phỏng giữa một chiếc F-105 và một chiếc MiG-21 mà lực lượng này có được nhờ phi công MiG Iraq đã lái máy bay đào tẩu sang Israel và Tel Aviv đã rất “rộng lượng” cho Mỹ mượn lại loại máy bay nhỏ tốc độ cao, cơ động này.

F-35 sẽ tan xác trong không chiến, nếu Mỹ không rút ra bài học từ thảm bại của F-105 ở Việt Nam - Ảnh 2.

“Thần Sấm” F-105. Ảnh: The Aviationist

Cuộc thử nghiệm đem lại kết quả không mấy tốt đẹp cho F-105. Các chuyên gia thử nghiệm đã khuyên rằng, khi phải đối đầu với MiG-21, phi công F-105 tốt nhất là hãy tháo chạy.

Nếu F-105 ở phía sau MiG-21 và phi công lái MiG không phát hiện ra nó, “Thần Sấm” có thể thực hiện đòn tấn công bất ngờ tốc độc cao. Thế nhưng, khi F-105 và MiG-21 đối đầu trực diện ở những vị trí ngang bằng nhau, máy bay của Mỹ chắc chắn gặp vấn đề.

“Nếu F-105 cố gắng cơ động tấn công kéo dài, nó sẽ đứng trước nguy cơ bị phản đòn bởi tình thế trở nên bất lợi do năng lượng và độ cơ động suy giảm”, Không quân Mỹ kết luận. Phi công lái F-35 trong cuộc không chiến mô phỏng với F-16 cũng đưa ra báo báo tương tự.

Tuy nhiên, trong khi F-105 có được lợi thế về tốc độ bay thẳng so với hầu hết các đối thủ thì F-35 thực sự còn chậm hơn so với các máy bay hiện nay của Sukhoi, Shenyang và Chengdu.

Nhưng một yếu tố may mắn là JSF thuộc dòng chiến đấu cơ tàng hình, với những thiết kế giúp nó tránh được sự phát hiện của các cảm biến tầm xa trong những tình huống nhất định.

“Nếu F-35 muốn sống sót trong các cuộc chiến tương lai, lực lượng vận hành nó phải hoạch định các chiến thuật tận dụng tối đa ưu điểm này của nó”, chuyên gia Kopp khuyên. “Yếu đố quyết định đối với JSF trong cuộc chơi này chính là khả năng tàng hình của nó”.