Đàm phán tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Câu đố được bao bọc bằng bí ẩn

Ảnh: AP

Một vài người cho rằng ông Trump có thể sẽ tận dụng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung để làm “quân bài mặc cả” về vấn đề Triều Tiên.

Viễn cảnh bất kì cuộc thượng đỉnh nào giữa Mỹ và Triều Tiên luôn luôn là điều khó hình dung, đặc biệt khi hai nhân vật chính của cuộc gặp là tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Ông Trump thường xuyên thay đổi chính sách, đi ngược lại quan điểm của chính bộ máy Nhà Trắng, không xin cố vấn từ các chuyên gia và đồng minh, và thường không bộc lộ ý định thực sự của mình. 

Có thể ông Trump cố ý làm đối phương bối rối, đặc biệt là truyền thông. Trước thềm cuộc thượng đỉnh với ông Kim vào tháng 6/2018, ông Trump lên kế hoạch và hủy cuộc gặp vài lần, gây ra không ít hoang mang và ái ngại.

Ngược lại, ông Kim không ngại đòi hỏi nhiều nhượng bộ hơn từ ông Trump, nhưng không ai biết vị thế của ông Kim ở đâu.

Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng nói: “Đàm phán là một câu đố được bao bọc bằng bí ẩn, gói ghém trong những ẩn số…”

Là người nghiên cứu vấn đề phức tạp này từ những năm 1980, đây là những suy nghĩ của tôi.

Trung Quốc là chìa khóa

Triều Tiên là “khách hàng” của Trung Quốc. Trung Quốc tiêu thụ 90% sản phẩm kinh tế của Triều Tiên. Tới nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, hỗ trợ Triều Tiên cả thực phẩm và nhiên liệu. Trung Quốc kiểm soát hệ thống tài chính được coi là “huyết mạch” của Triều Tiên.

Triều Tiên là yếu tố then chốt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Triều Tiên đã khiến Mỹ và đồng minh bất đồng, buộc Mỹ phải dành một khoản lớn nguồn lực quân sự để dự đoán và ngăn chặn kế hoạch của ông Kim. 

Cùng lúc đó, Trung Quốc có thể theo đuổi chính sách Vành đai, Con đường và mục tiêu quảng bá mô hình chính trị và kinh tế của nước này trên toàn thế giới.

Mặc dù truyền thông đã nhiều lần đưa tin về sự liên quan của Trung Quốc đối với các động thái cứng rắn của Triều Tiên trong khu vực (ví dụ như Trung Quốc chuyển từ giải pháp đối ngoại sang trừng phạt), thật khó để tin rằng Trung Quốc không thể chi phối Bình Nhưỡng. Trung Quốc dường như rất vui khi duy trì được ổn định khu vực, theo quan điểm của họ.

Một vài người cho rằng ông Trump có thể sẽ tận dụng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung để làm 
“quân bài mặc cả”. Theo tôi biết, ông Trump chưa bao giờ có ý định kết nối thương chiến với bất kì chính sách đối ngoại nào khác. Cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn chiến tranh thương mại phức tạp hơn tình hình vốn đã rất khó giải quyết như hiện nay.

Những người khác lại nghĩ rằng ông Trump có thể tận dụng vấn đề Biển Đông và Đài Loan để đối phó với Trung Quốc. Trung Quốc hiện tại đã quân sự hóa phi pháp các vùng đảo và rặng san hô chiến lược ở Biển Đông. Đài Loan tuy là vấn đề đối với Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ là mối đe dọa lớn với Đại lục trong 70 năm qua.

Trung Quốc dường như không có ý định đàm phán và đạt được giải pháp cuối cùng đối với vấn đề vũ khí hạt nhân Triều Tiên, kể cả trực tiếp hay gián tiếp qua các chính sách liên kết. Công bằng mà nói, Trung Quốc can thiệp với mục tiêu cải thiện các mối quan hệ.

Vị thế của Triều Tiên

Trước thượng đỉnh hồi năm 2018, Triều Tiên vẫn chưa phát triển hoàn thiện các đầu đạn hạt nhân và hệ thống tên lửa. Trong 30 năm với 6-7 cuộc gặp thượng đỉnh, Triều Tiên đã có những động thái cứng rắn; Mỹ, Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây đáp trả bằng các lệnh trừng phạt; Triều Tiên có một số cam kết cải thiện để được gỡ bỏ cấm vận và nhận được các lợi ích khác; Triều Tiên tiếp tục các hành động cứng rắn, các nước lại tăng cấm vận rồi giảm cấm vận, hứa hẹn lợi ích.

Vòng lặp cứ tiếp diễn trong nhiều năm. Xuyên suốt quá trình ấy, Triều Tiên đã nghiên cứu chương trình hạt nhân và cuối cùng đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia với tiềm lực hạt nhân lớn mạnh.

Khi thượng đỉnh lần này tới gần, Triều Tiên đã sở hữu các đầu đạn và tên lửa. Mặc dù Triều Tiên đã từ bỏ hạt nhân để cho ông Trump thấy thiện chí, nhưng rõ ràng Bình Nhưỡng đã có vũ khí cần thiết. Chưa kể, Triều Tiên hiện có thể sản xuất vũ khí hạt nhân để bán.

Cùng lúc, Triều Tiên vẫn duy trì số lượng lớn vũ khí hạng nặng (như xe tăng và pháo) và đội quân hàng triệu người. Triều Tiên còn sở hữu hàng loạt loại vũ khí có khả năng hủy diệt ngang cỡ vũ khí hạt nhân và có lực lượng tác chiến mạng tinh nhuệ.

Kể cả khi Triều Tiên có từ bỏ vũ khí hạt nhân, nước này cũng sẽ không làm điều đó cho tới khi Mỹ từ bỏ tất cả các chính sách như duy trì cấm vận, tiếp tục cho quân đội Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc và đổi lại hỗ trợ phát triển kinh tế, viện trợ nhân đạo toàn diện, đảo bảo an ninh cho chính quyền Triều Tiên, và nhiều việc khác nữa. 

Mô hình Libya và Iraq mà ông Trump đưa ra – trong đó Mỹ đã ép buộc ông Muammar Gaddafi và ông Saddam Hussein từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân – sẽ không có tác dụng với Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không có hành động gì về vấn đề Triều Tiên từ năm 2008 tới năm 2016, trước khi nước này trở thành quốc gia hạt nhân. Tất nhiên, ông Bill Clinton và ông George W. Bush cũng đã thất bại trong nhiệm kì từ năm 1992 tới năm 2008.

Đàm phán tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Câu đố được bao bọc bằng bí ẩn - Ảnh 1.

Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump ở Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 1

Học cách sống cùng một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân

Câu hỏi ở đây là: Mỹ và các quốc gia trong khu vực làm thế nào để chung sống cùng với một nước Triều Tiên hạt nhân? Tất nhiên là có thể, bằng cách làm như vấn đề đó không tồn tại.

Mỹ có thể sẽ giả bộ rằng Triều Tiên không gây ra mối đe dọa nào cho khu vực khi Triều Tiên đã có sức mạnh quân sự để bảo vệ chính quyền. Ông Trump mới đây đã phát biểu trong Thông điệp Liên bang năm 2019 rằng nếu ông không được bầu làm tổng thống, chắc chắn Mỹ sẽ có chiến tranh với Triều Tiên. Ông cho biết mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên “chưa bao giờ tốt đến vậy”.

Ông Trump nói rằng việc Triều Tiên dừng thử vũ khí hạt nhân là bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đã thu thập được hình ảnh vệ tinh của 20 cơ sở hạt nhân chưa công khai của Triều Tiên, bao gồm cơ sở làm giàu uranium và plutonium. 

Ông Trump gần đây đã phủ nhận báo cáo từ các cơ quan tình báo Mỹ rằng Triều Tiên là mối đe dọa lớn đối với Mỹ và khu vực. Ông Trump đã công khai nói rằng cộng đồng tình báo nên “đi học lại” để lấy được thông tin chính xác hơn.

So sánh Thông điệp Liên bang tháng 1/2018 với thông điệp tháng 2/2019 cũng cho thấy thông tin hữu ích. Năm 2018, ông Trump dành 10% thời lượng để nói về “sự hung hăng” của Triều Tiên, trong khi bài nói 2019 lại chỉ đề cập vài câu tới Triều Tiên.

Mặc dù ông Trump ca ngợi Triều Tiên, cuối tháng 11/2018, cuộc gặp giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn bị hủy bỏ vì thiếu những bước tiến cần thiết.

Vậy nên ông Trump đã phủ nhận nhiều thứ về Triều Tiên để đạt được thỏa thuận. Thú vị là, ông Obama có vẻ đã làm điều tương tự để đạt được thỏa thuận hạt nhân sai lầm với Iran.

Hai phương án chiến lược của Mỹ

Khi đã chấp nhận Triều Tiên là một “quốc gia hạt nhân hiền lành”, Mỹ có hai lựa chọn chiến lược: rút khỏi khu vực hoặc xây dựng mối quan hệ đối tác khu vực mạnh mẽ hơn để làm đối trọng với Trung Quốc và Triều Tiên. Dưới thời ông Trump, Mỹ đã gửi đi những tín hiệu không rõ ràng.

Tính tới trường hợp rút lui. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo rằng mục tiêu của ông trong kì thượng đỉnh sắp tới là “giảm mối đe dọa đối với người dân Mỹ”. Để làm được điều đó, Mỹ sẽ phải tham gia ít hơn vào việc bảo vệ các đồng minh trong khu vực. 

Ông Pompeo cũng thông báo rằng Mỹ hiện tại không có lịch trình cụ thể cho “quá trình phi hạt nhân hóa”: trước đây là tháng 1/2021.

Thêm vào đó, ông Trump tiếp tục đặt vấn đề rằng Hàn Quốc và Nhật Bản cần trả nhiều chi phí hơn để bảo vệ khu vực. Ông Trump có thể sử dụng lời đe dọa rút khỏi NATO để làm hình mẫu: ông Trump dường như đã ép các nước châu Âu phải đầu tư nhiều hơn để hỗ trợ NATO.

Nhưng, ông Trump cũng có thể dùng cách này để làm lí do rút lui. Thú vị ở chỗ, Hàn Quốc tuyên bố rằng tự quốc gia này đang tăng cường hệ thống phòng thủ đất nước, nhưng Hàn Quốc và Mỹ lại có tuyên bố khác nhau “một trời một vực” về tuyên bố đó.

Cuối cùng, ông Trump đã thông báo rằng ông đang tìm cách xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân để bảo vệ Mỹ khỏi những đợt tấn công tên lửa.

Nhưng sau đó Mỹ đưa ra những chính sách có vẻ không nhất quán. Gần đây, hải quân Mỹ đã tiếp cận căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Ông Trump đã mời nhà lãnh đạo Đài Loan phát biểu trước Quốc hội Mỹ, một sự vinh dự hiếm hoi. Ông Trump đã mở rộng hoạt động quân sự tại Okinawa để đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên.

Theo Học viện Brookings, ông Trump có thể đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã kí với Nga trong chiến lược của ông với Nga và Triều Tiên. INF cấm triển khai vũ khí hạt nhân tầm ngắn (từ 500km tới 5.500km).

Nhiều chuyên gia tin rằng Mỹ rút khỏi INF bởi Nga không tôn trọng thỏa thuận. Tuy nhiên, những người khác nghĩ rằng điều ông Trump muốn là đối phó với những vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không nằm trong thỏa thuận INF. Điều này cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trong khu vực, bao gồm tại Triều Tiên.

Đàm phán tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Câu đố được bao bọc bằng bí ẩn - Ảnh 2.

Ông Trump là người thường sử dụng tới cấm vận, nhưng cấm vận dường như không quá hiệu quả. Mỹ và Liên Hợp Quốc đã cấm vận Triều Tiên từ những năm 1990, nhưng Triều Tiên vẫn phát triển. 

Thêm vào đó, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã hỗ trợ Triều Tiên vượt qua cấm vận, nhiều tới mức cấm vận không còn hiệu quả nữa. Cả Hàn Quốc cũng bị bắt gặp vi phạm trừng phạt của LHQ khi cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên mà không được đồng ý.

Kì vọng

Mỹ sẽ có chiến lược bỏ qua hoặc hạ thấp cái mà họ vẫn gọi là mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhưng khi vẫn đang phân vân, Mỹ sẽ theo đuổi kế hoạch tiếp cận và rút lui theo từng đợt. Điều này sẽ khiến cả đồng minh và đối thủ cảm thấy bất ổn. 

Chưa dừng ở đó, ông Trump có thể sẽ tiếp tục tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và Quốc hội đang bắt đầu tìm cách kiểm soát chính sách đối ngoại của ông Trump. Những nhà phân tích đã chứng kiến sự hỗn loạn trong hệ thống chính trị của Mỹ. Điều này sẽ không giúp giải quyết vấn đề khu vực.

Đây không phải là điều nên ngạc nhân. Như nhà phân tích Nickolas Eberstadt nói, Mỹ chưa bao giờ có chiến lược phù hợp để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân Triều Tiên. 

Bằng chứng là, Mỹ luôn luôn ngạc nhiên trước các động thái của Triều Tiên và thất bại trong việc ước lượng chính xác chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng, và nhìn nhận sai về hiệu quả của cấm vận. Chúng ta có thể thấy rằng tương lai cũng sẽ tương tự như vậy.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.