“Đại chiến” Grab – Vinasun: Tạm dừng để xem xét giám định thiệt hại

Phía Grab cho rằng việc công ty Cửu Long giám định thiệt hại của Vinasun là chưa phù hợp với quy định pháp luật, đề nghị tòa cho giám định lại.

Chiều 29/10 , TAND TP HCM quyết định tạm dừng phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng.

Theo HĐXX, vụ án có nhiều điều chưa được làm rõ, cần thu thập thêm hồ sơ, chứng cứ và xem xét lại việc giám định thiệt hại của Vinasun. Đến sáng ngày 22/11, phiên xử sẽ tiếp tục mở lại.

Khoảng 2h cùng, nhiều tài xế taxi đã tập trung đông tại khuôn viên TAND TP HCM để theo dõi kết quả phiên xử. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên quyết định quay lại phần xét hỏi.

Ông Trương Đình Quý (Phó giám đốc Vinasun) trình bày: “Trước khi Grab xuất hiện, mức tăng trưởng của Vinasun lên đến 2 con số. Nhưng từ khi Grab tham gia thị trường hoạt động thì mức tăng trường này liên tục giảm mạnh.

Việc Grab liên tục khuyến mại, thậm chí khuyến mãi chuyến xe 0 đồng gây thiệt hại cho chúng tôi. Năm 2015, hơn 12.000 tài xế của Vinasun nghỉ việc do chính sách chiêu dụ của Grab. Hiện tại, Vinasun cũng chỉ còn hơn 8.000 tài xế. Báo cáo của Grab gửi cho Bộ GTVT thể hiện số cuốc xe tăng lên từng ngày, tỉ lệ thuận với thiệt hại của chúng tôi”.

Trình bày về những thiệt hại, luật sư của Vinasun cho rằng công ty bị thiệt hại bởi 3 chi phí:”Chi phí khấu hao, chi phí hoạt động và các chi phí cố định như: chi phí kiểm định, chi phí đường bộ. Dù không hoạt động những vẫn phải chịu những chi phí này”.

Đại chiến Grab - Vinasun: Tạm dừng để xem xét giám định thiệt hại - Ảnh 1.

HĐXX quyết định tạm dừng phiên xử.

Trong khi đó, luật sư của Grab cho rằng việc giám định thiệt hại của Vinasun do công ty Cửu Long thực hiện là vi phạm pháp luật: “Phía bị đơn cho rằng các số liệu trong báo cáo giám định mà công ty Cửu Long đưa ra chưa chính xác. Các phương pháp giám định thiệt hại chưa chính xác, căn cứ việc giảm giá trị cổ phiếu không thể hiện được thiệt hại của Vinasun, bởi cổ phiếu không thuộc về công ty mà còn thuộc về cổ đông”.

Ngoài ra, luật sư của phía bị đơn cho rằng công ty Cửu Long chưa chứng minh được giá trị nhân quả giữa các hành vi của Grab tác động dẫn đến thiệt hại của Vinasun. Do đó, Grab yêu cầu giám định lại thiệt hại của Vinasun.

Trước đó, hồi 23/10, phát biểu quan điểm tại phiên xử, đại diện VKS TP HCM cho rằng tòa đủ thẩm quyền để giải quyết vụ kiến, đề nghị HĐXX bác yêu cầu của Grab về việc yêu cầu triệu tập đại diện Bộ Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp tham gia Đề án 24, đại diện công ty thẩm định Cửu Long.

Theo cơ quan công tố, Grab trực tiếp vận hành, điều xe, quy định giá cước, mức chiết khấu và quy định xử phạt đối với tài xế. Ngoài ra, Grab còn đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi. Do đó, Grab thực chất là công ty kinh doanh vận tải taxi chứ không phải đơn vị cung cấp công nghệ đơn thuần.

Đại diện VKS cho rằng thiệt hại của Vinasun được thể hiện rõ ràng, giảm mạnh theo các khoảng thời gian. Hết quý hai, hơn 8.000 nhân viên Vinasun nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi.

Đại chiến Grab - Vinasun: Tạm dừng để xem xét giám định thiệt hại - Ảnh 2.

Ông Trương Đình Quý (Phó giám đốc Vinasun) tại phiên xử.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Vinasun lần đầu kiện Grab lợi dụng Đề án 24 của bộ Giao thông Vận tải để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường này.

Vinasun cung cấp cho tòa nhiều văn bản, tài liệu là “chứng cứ Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam”. Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng trên thực tế đơn vị này cung cấp dịch vụ vận tải và hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Đặc biệt, Grab còn thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun.

Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, Vinasun đã bị thiệt hại gần 76 tỉ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỉ đồng. Do đó, phía Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường số tiền này ngay sau khi bản án có hiệu lực.

Tại phiên xử hồi tháng 2, sau hai ngày tranh luận gay gắt, HĐXX tạm dừng phiên tòa, yêu cầu các đơn sự cung cấp thêm chứng cứ về giấy phép đăng ký kinh doanh, hình thức hoạt động, số liệu liên quan.

Khoảng một tháng sau, TAND TP HCM tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện để chờ kết quả thu thập chứng cứ từ Sở GTVT, Sở Công thương, Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM và Bộ GTVT. Trong lần mở lại phiên xử vào tháng 9, tòa tiếp tục hoãn xử do đại diện Grab vắng mặt với lý do chưa được giải quyết khiếu nại liên quan đến vụ án.

Đại chiến Grab - Vinasun: Tạm dừng để xem xét giám định thiệt hại - Ảnh 3.

Đại diện Grab tại phiên xử.

Trước đó, tại các ngày xét xử, phía luật sư của Vinasun vẫn giữ quan điểm, khẳng định Grab vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT, đăng ký dịch vụ cung ứng phần mềm nhưng lại kinh doanh vận tải taxi, chiêu mộ lực lượng tài xế khổng lồ nên gây thiệt hại cho Vinasun.

Đại diện của Vinasun chỉ ra Grab vi phạm quy định về khuyến mãi, cụ thể là có 40 chương trình khuyến mại không thông báo và kéo dài thời gian khuyến mại. Vinasun nhấn mạnh Grab không chỉ vi phạm đề án 24 mà còn vi phạm Luật Thương mại, Luật Lao động, Thương mại điện tử… Vinasun cũng cho rằng dựa vào việc báo lỗ 4 năm hơn 1.700 tỷ thì việc Grab cho biết có đóng thuế Thu nhập doanh nghiệp là điều mà tòa cần xem xét lại.

Về phần Grab, công ty này khẳng định cung cấp dịch vụ công nghệ cho công ty taxi chứ không kinh doanh vận tải. Bị đơn cho biết cũng như Vinasun, Grab cũng đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh vì không biết sẽ chọn kinh doanh nào nhưng không sử dụng lĩnh vực đó. Đại diện doanh nghiệp này cho biết  từ ngày 2/3/2017, Grab nhận quyết định từ Bộ Công Thương, yêu cầu rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa bao giờ sử dụng ngành nghề kinh doanh này.

Đối với phần trăm chiết khấu dành của lái xe thay đổi liên tục, Grab cho rằng dựa vào chi phí vận hành càng ngày càng tăng và doanh nghiệp này cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho tài xế. Căn cứ để thay đổi dựa vào hợp đồng hợp tác kinh doanh và thỏa thuận giữa các bên. Nếu hợp tác xã không đồng ý với mức chiết khấu đó thì có quyền chấm dứt.