“Đá kỳ diệu” được quảng cáo tốt gan, bổ thận: Hậu quả tai hại ít người ngờ tới

Loại đá này được quảng cáo là đá “thần kỳ” tốt cho gan, bổ thận, lưu thông khí huyết, đặc biệt tốt cho bệnh nhân tiểu đường… Tuy nhiên, sự thật đằng sau đó ít người ngờ tới.

Đá thần kỳ tác dụng chữa mọi vấn đề

Thời gian gần đây, trên mạng rao bán sản phẩm đá bazan được thổi phồng với rất nhiều tác dụng thần kỳ. Sản phẩm bằng đá này, được gia công dưới dạng thỏi phẳng khi mua sẽ có kèm thêm một đôi găng tay, một chiếc khăn mặt bông, bán với nhiều mức giá trên thị trường, giao động từ 260.000đ đến 700.000đ. 

Loại đá này, được quảng cáo khi chườm có tác dụng tốt cho gan, bổ thận, giúp đả thông bế tắc mao mạch ngoại vi, lưu thông máu huyết… Đặc biệt, sản phẩm này được lưu ý rất tốt cho bệnh nhân bị tiểu đường giúp giảm tê bì.

Cách dùng đá thần kỳ rất đơn giản luộc trong nước sôi 20 phút hoặc dùng lò vi sóng quay ở nhiệt độ cao 2-5phút, sau đó, chườm vào các bộ phận trên cơ thể.

Điều đáng nói là đối với bệnh nhân đái tháo đường, biến chứng thần kinh ngoại vi khiến bệnh nhân tê bì, mất cảm giác nóng lạnh. Vì vậy, khi sử dụng đá chườm, người bệnh không cảm nhận được sức nóng của đá, gây bỏng nghiêm trọng mà vẫn không biết. Trên thực tế rất nhiều bệnh nhân bị tiểu đường dùng loại “thần thánh” không khỏi mà phải nhập viện cấp cứu.

Đá kỳ diệu được quảng cáo tốt gan, bổ thận: Hậu quả tai hại ít người ngờ tới - Ảnh 1.

Bệnh nhân tiểu đường bị bỏng nặng sau khi dùng “cặp đá thần kỳ”, ảnh BVCC.

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Xuân T(82 tuổi – Hà Nam) mắc đái tháo đường 27 năm. Bệnh nhân tới viện trong tình trạng bị bỏng nặng, phồng rộng trên diện rộng.

Trước đó, bệnh nhân luôn uống thuốc đầy đủ và được gia đình chăm sóc, nên tình trạng được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, từ khi được anh trai tặng cho ông T “cặp đá kỳ diệu” với mục đích để giảm tê bì chân tay, “lưu thông khí huyết”, dưỡng thận, bổ gan…

Theo người nhà bệnh nhân T, thấy chân chồng bị sưng tím, vợ ông đã lấy cặp đá nói trên cho vào lò vi sóng quay nóng lên với nhiệt độ cao trong thời gian 5 phút. Sau khi, chườm 30 phút, ông xảy ra tình trạng huyết áp tăng, mặt đỏ. Khi con trai ông phát hiện, chân ông đã bị bỏng nặng, xuất hiện những mảng phồng rộp lớn.

Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bệnh nhân đã được cắt lọc, rửa vết thương hàng ngày. Tuy nhiên, tổn thương bỏng sâu hai chân lan rộng nên việc điều trị gặp khó khăn và kéo dài.

Bác sĩ cảnh báo đây không phải trường hợp hiếm gặp khi bệnh nhân đái tháo đường tự ý chườm nóng bằng: đắp lá, chườm đá, dùng đá muối Hymalaya… gặp hậu quả bỏng nghiêm trọng.

Việc chườm nóng, dùng nhiệt điều trị chứng tê bì chân, tay cho bệnh nhân đái tháo đường cần hết sức thận trọng và phải được kiểm soát.

Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra tác dụng của bất cứ loại đá trên đối với việc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe.