Chuyên gia: Dệt may Việt Nam gặp khó khi Mỹ, Mexico, Canada đạt thỏa thuận mới thay NAFTA

Công nhân tại một nhà máy dệt may của Trung Quốc. Ảnh: CNBC.

Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) siết chặt hơn quy định về xuất xứ và tiêu chuẩn lao động với ngành ô tô và dệt may, có thể khiến việc làm sẽ quay về Bắc Mỹ thay vì châu Á.

Các nhà sản xuất châu Á có thể sẽ gặp khó khăn hơn khi bán các sản phẩm của mình ở thị trường châu Mỹ sau khi một thỏa thuận mới được 3 nước Mỹ, Mexico và Canada ký kết.

Các nhà phân tích cũng dự báo một rủi ro dài hạn cho các ngành công nghiệp chính tại Trung Quốc và Đông Nam Á.

“Về dài hạn, khi các chuỗi cung ứng chuyển hướng sang Bắc Mỹ, các quốc gia khác sẽ khó lòng tiến vào thị trường Bắc Mỹ”, GS chính sách thương mại Henry Gao tại trường Đại học quản lý Singapore cho hay.

Thỏa thuận được công bố hồi đầu tuần bao gồm các quy tắc khắt khe hơn về nguyên liệu thô.

Theo đó, nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất hàng may mặc, chẳng hạn như chỉ khâu, phải có nguồn gốc từ các nhà cung cấp tại một trong 3 quốc gia ký kết.

Ông Maxfield Brown, công ty tư vấn pháp lý và thuế Dezan Shira, phụ trách khu vực Đông Nam Á cho biết, quy định này dường như sẽ hạn chế khả năng đáp ứng được nhu cầu đầu vào trong ngành dệt may của các công ty Việt Nam.

USMCA cũng yêu cầu, 40 – 45% các bộ phận xe hơi được mua bởi các quốc gia ký kết phải được sản xuất bởi các công ty mà người lao động được trả ít nhất 16 USD/giờ.

“Điều khoản này dường như được thiết kế để thu hút việc làm ra khỏi châu Á và trở lại ngành sản xuất xe hơi của Mỹ, Canada và Mexico”, ông Cuz Potter, Giáo sư tại Đại học Quan hệ quốc tế Hàn Quốc cho biết.

Tuy nhiên, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia cho rằng, không nên phóng đại tác động của USMCA khi các thỏa thuận được xây dựng trên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với những quy tắc đã được đưa ra từ năm 1994.

“Hầu hết các tác động đều đã được đáp ứng ở Đông Nam Á,” ông nói.