Chủ tịch QH nói Bộ trưởng GD “đổ lỗi cho cán bộ” về đề xuất đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Tiến Tuấn

Theo Bộ trưởng Nhạ, cán bộ, cá nhân thực hiện năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đã đưa dự thảo quy định bán dâm 4 lần mới bị đuổi học lên dẫn đến có ý kiến của xã hội.

Cuối phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 30/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã thẳng thắn yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích về dự thảo quy định học sinh sinh viên bán dâm không quá 4 lần gây bức xúc dư luận.

Theo bà Minh Hiền, dù đây mới chỉ là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục là truyền thụ nhân cách.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quy định trong các văn bản về thông tư trong ngành giáo dục là rất nhiều và Bộ đang rà soát các văn bản, trong đó, có thông tư từ nhiều năm về đây.

Quá trình rà soát, thấy có quy định liên quan đến xử lý vấn đề học sinh sinh viên bán dâm.

Chủ tịch QH nói Bộ trưởng GD đổ lỗi cho cán bộ về đề xuất đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Ngọc Thắng.

“Quy định về xử lý hành vi bán dâm với học sinh sinh viên được quy định từ năm 2007 trong quy chế học sinh, sinh viên, sau đó, đầu năm 2016 tiếp tục đưa vào thông tư. Như vậy, thực tế, quy định này đã có.

Khi rà soát, chúng tôi đã đề nghị tất cả nội dung không còn phù hợp thì phải bỏ, trong đó, có nội dung này”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT nêu rõ, vấn đề đặt ra ở đây là khi tiến hành sửa, “Ban soạn thảo, đặc biệt, cán bộ, cá nhân thực hiện việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đã đưa lên, dẫn đến có ý kiến của xã hội”.

Ông nhấn mạnh, ngay khi nhận được thông tin ông chỉ đạo báo cáo, xử lý ngay.

“Quan điểm của tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ GD – ĐT là không cần phải đưa những nội dung này vào trong thông tư nữa”, ông nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội sau đó đã hoan nghênh Bộ trưởng đã tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội và đề nghị những quy định nào không phù hợp, phản cảm, gây bức xúc xã hội phải sửa ngay.

Đồng thời, rút kinh nghiệm với vấn đề như vậy lại đưa rộng rãi trên mạng trong khi chưa bàn.

Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Nhạ chỉ đạo khắc phục ngay và không nên có bình luận thêm việc này.

Sau khi bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã giơ biển tranh luận.

Bà Hiền thẳng thắn nói: “Hôm qua tôi có hỏi một câu là vai trò của người đứng đầu trong việc nhận trách nhiệm. Nhưng tôi không thấy bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc này mà bộ trưởng lại chuyển trách nhiệm đó cho một cá nhân khác”.

Đại biểu Phú Yên nhấn mạnh: Chỉ khi nào bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ khi nào bộ trưởng nhận ra năng lực quản trị của bộ máy giúp việc, bộ máy quản lý nhà nước có vấn đề, hạn chế thì mới có biện pháp để lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục.

“Tôi rất mong bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật này, không tránh né, không tác động, có những giải pháp tích cực hơn cho ngành giáo dục sắp tới”, báo Tuổi trẻ ghi lời đại biểu Phạm Thị Minh Hiền.

Chủ tịch Quốc hội sau đó, đề nghị Bộ trưởng rút kinh nghiệm vì đã đổ lỗi cho một cán bộ thiếu năng lực của ngành.

“Đại biểu Hiền chưa thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm người đứng đầu nên cần rút kinh nghiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu.