Chiêu trò ma quái của ông Trần Phương Bình trong cuộc lũng đoạn Ngân hàng Đông Á

Ngoài việc bí mật để người thân đứng tên mua cổ phần Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình còn bán 50 triệu cổ phần của ngân hàng này cho Vũ “nhôm” với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phần.

Ngày 29/11, phiên tòa xét xử Trần Phương Bình (59 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á) và 25 đồng phạm bước vào ngày thứ 3, tiếp tục phần xét hỏi. Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, 43 tuổi) và cựu Trưởng phòng quản lý tài sản nợ Ngân hàng Đông Á vẫn đang bị cách ly tại trại giam.

Bí mật để vợ con đứng tên cổ phần

Phiên xét hỏi sáng nay, HĐXX tập trung làm rõ cáo buộc ông Bình và các nhân viên thực hiện nhiều sai phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á. Trong đó, từ năm 2007 – 2014, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á chỉ đạo cấp dưới lập phiếu thu khống hơn 1.160 tỷ đồng để mua 74 triệu cổ phần DAB đứng tên mình và người thân thích.

Cụ thể, ông Cao Ngọc Liên (cha vợ ông Bình) mua 523.000 cổ phần với giá 31 tỷ đồng. Ngoài ra, vợ ông là bà Cao Thị Ngọc Dung (chủ tịch Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận) và 2 con gái ông Bình mua 2,2 triệu cổ phần với giá 132 tỷ đồng.

Ông Bình lý giải rằng khi tăng vốn điều lệ, số cổ phần không bán được nên ông lấy tên vợ con âm thầm mua lại để lấy sự tin tưởng của các đối tác. Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á khẳng định bản thân không hưởng lợi, tổng cộng 100 tỷ đồng cổ tức được chuyển vào tài khoản của ông chứ người thân ông không hưởng lợi.

Chiêu trò ma quái của ông Trần Phương Bình trong cuộc lũng đoạn Ngân hàng Đông Á - Ảnh 1.

Ông Trần Phương Bình cho vợ con đứng tên mua cổ phần.

Ông Bình khẳng định không hề dùng thủ đoạn chi phối hoạt động của ngân hàng, bởi  tỷ lệ cổ phần ông nắm giữ chưa từng quá 20%. “Bị cáo nghĩ phải nắm trên 30% cổ phần thì mới nắm quyền cao nhất. Bởi khi bỏ phiếu biểu quyết tại hội đồng cổ đông, người nào sở hữu trên 30% cổ phần thì có quyền ban hành nghị quyết”, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á nói.

Liên quan đến việc vợ con và bố vợ ông Bình mua lại cổ phần Ngân hàng Đông Á, bà Dung khai ông Bình tự ý lấy tên mình đứng tên mua cổ phần. Cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi của họ ở giai đoạn hai của vụ án trong đó có các khoản vay của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Bán rẻ cổ phần với giá 10.000 đồng

Cũng tại tòa, đại diện VKSND TP HCM hỏi vì sao ông Bình “cảm thấy có lỗi” với Phan Văn Anh Vũ trong việc mua giùm ông này 13,4 triệu USD. “Bản thân bị cáo nguyên là giáo viên nên luôn luôn thấy có lỗi với Vũ ở chỗ không thông báo đầy đủ cho Vũ về thực trạng hoạt động của ngân hàng. Đây là điều bị cáo thấy có lỗi rất nhiều với Vũ”, ông Bình nhỏ giọng trả lời.

Ông khai, tính đến năm 2014 đã bán 50 triệu cổ phần Ngân hàng Đông Á cho Công ty Bắc Nam 79 với giá 500 tỷ đồng. Do không bán được giá cao nên chấp nhận bán lỗ cho Vũ Nhôm 10.000 đồng mỗi cổ phần. Cơ quan điều tra xác định toàn bộ tiền này được sử dụng cho Ngân hàng Đông Á, trong đó có một khoản thanh toán hồ sơ vay 60 tỷ đồng để chống âm quỹ.

Chiêu trò ma quái của ông Trần Phương Bình trong cuộc lũng đoạn Ngân hàng Đông Á - Ảnh 2.

Vũ “nhôm” được ông Trần Phương Bình bán rẻ 50 triệu cổ phần với đơn giá 10.000 đồng.

Trong vụ án này, Vũ “nhôm” và ông Bình cùng bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ông Bình còn bị cáo buộc tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cùng 24 người khác.

Tổng thiệt hại của Ngân hàng Đông Á trong phạm vi vụ án này là hơn 3.600 tỷ đồng. Trong đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu khống, chiếm đoạt ngân hàng này tổng cộng 2.057 tỷ đồng trong khoảng thời gian 2007-2014.

Trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2013, ông Bình giúp Vũ chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á, mua giúp hơn 13,4 triệu USD nhưng chưa được thanh toán.

Đối với số tiền thiệt hại còn lại 1.551 tỷ đồng, ông Bình và các thuộc cấp phải chịu trách nhiệm trong việc suất quỹ sai nguyên tắc cho 219 công ty để chi lãi ngoài huy động vốn; kinh doanh ngoại hối, hơn 610 lượng vàng tài khoản…