Chiến tranh thương mại: TQ giấu vũ khí, im lặng “ủ mưu”, chuyên gia Mỹ hiến kế cho ông Trump

Trung Quốc đang tính kế cho một cuộc chơi đường dài với Mỹ. Ảnh: CNN.

Trung Quốc đang tập trung cho chặng đường dài đối đầu thương mại với Mỹ. Tốt hơn là Tổng thống Trump nên bắt đầu suy nghĩ về khả năng thoát khỏi cuộc chiến thương mại.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông David A. Andelman, chuyên gia tại Trung tâm an ninh quốc gia, trường Luật Fordham. Ông cũng là cựu phóng viên của tờ The New York Times và CBS News ở châu Á và châu Âu.

Trung Quốc không hào hứng đàm phán

Các quan chức Trung Quốc dường như không vội vàng đàm phán. Tuần trước, ông Larry Kudlow – Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia thừa nhận: “Chúng tôi đã cung cấp cho họ (Trung Quốc) một danh sách chi tiết về yêu cầu, nhưng (về cơ bản) họ đã không thay đổi trong 5-6 tháng”.

Họ thậm chí còn không trả lời điện thoại. Mặc dù Tổng thống Trump đang lên kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng tới, nhưng có các tín hiệu rằng, Bắc Kinh sẵn sàng “đấu” một cuộc chơi dài với Mỹ.

Thực tế, việc lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa qua sẽ không giúp Tổng thống Trump trong cuộc chiến này, mà trái lại, sẽ làm mất ổn định thị trường chứng khoán Mỹ.

Ông Trump đã đổ lỗi cho chính sách lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) khiến thị trường chứng khoán trải qua một tuần giao dịch tồi tệ.

Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân là do những bất ổn sâu sắc hiện nay trên mặt trận thương mại, khi Washington chuẩn bị đẩy mạnh thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Thực tế là thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường tệ nhất thế giới trong năm nay nhưng bất kỳ tác động nào từ thị trường chứng khoán đều ảnh hưởng đến người dân Mỹ nhiều hơn.

Chỉ 9% tài sản của các gia đình Trung Quốc là cổ phiếu, 72% tiền tiết kiệm của Trung Quốc bằng tiền mặt. Ngược lại, ít nhất 54% của tất cả người Mỹ sở hữu cổ phiếu. Con số đó đã giảm trong 10 năm qua nhưng vẫn lớn gấp 5 lần tỷ lệ sở hữu cổ phiếu ở Trung Quốc. Vì vậy, tác động từ thị trường cổ phiếu Trung Quốc là rất ít so với Mỹ.

Trung Quốc vẫn còn vũ khí chưa tung ra

Trong thời gian tới, khi Tổng thống Trump tiếp tục cuộc chiến thuế quan, Trung Quốc có thể  hứng chịu những cơn đau và buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán.

Quả thực, đã có những tác động có mức độ ở Trung Quốc. Báo cáo về kinh tế cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới đã giảm xuống còn 6,5% (so với 6,7% trong quý trước).

Tuy nhiên, ở phía Mỹ, tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu chững lại. Dự báo GDP hàng quý cho thấy tốc độ tăng trưởng của Mỹ là 3,3%, giảm đi so với 4,2% của quý trước.

Ngoài ra, cũng có một số vũ khí khác mà Bắc Kinh chưa sử dụng để chiến đấu với Washington trong bất kỳ cuộc chiến thương mại kéo dài nào. Hãy tưởng tượng, một phong trào tẩy chay Mỹ của người tiêu dùng Trung Quốc – những khách hàng đông đảo nhất thế giới của iPhone và các sản phẩm khác của Apple, chưa kể đến xe hơi, máy móc, máy bay và hàng tiêu dùng xa xỉ của Mỹ.

Đó là một chiến thuật mà Trung Quốc đã sử dụng trước đó để đối phó với các nước khác có tranh chấp thương mại.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu ông Trump đã tính đến khả năng này trước khi ông lao vào cuộc chiến thương mại của mình hay không. Trên thực tế, có thể Trung Quốc đang chờ đợi cho đến khi chiến tranh thương mại thực sự gây ra tác động, hoặc thậm chí là chờ đến chính quyền Mỹ kế tiếp và hy vọng có một thỏa thuận tốt hơn.