Cảnh báo 3 sai lầm khiến bệnh cúm dễ biến chứng nguy hiểm cha mẹ hay mắc khi chăm sóc con

Cúm là bệnh có thể chăm sóc tại nhà, nhưng nếu chăm sóc không đúng cách bệnh có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

Số bệnh nhân mắc cúm tăng

Theo thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội trong khoảng 15 ngày sau gầy đây, bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân mắc cúm tới điều trị. Có những trường hợp cả gia đình bị mắc cúm do chăm sóc sai cách và chủ quan về bệnh.

Đa phần bệnh nhân bị cúm là trẻ nhỏ và có biến chứng viêm phổi. Các trường hợp gặp biến chứng do cha mẹ chủ quan hoặc mắc sai lầm khi trẻ bị bệnh.

Ths.BS Nguyễn Thị Hiền, Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội) cho hay hiện nay khoa đang điều trị cho 2-3 trường hợp bệnh nhi gặp biến chứng viêm phổi do mắc cúm.

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh tăng vào mùa Đông xuân, do thời tiết thay đổi, độ ẩm không khi cao.

Bác sĩ Hiền cho hay: “Số trẻ nhập viện do mắc cúm tăng tại khoa là do sự thay đổi thời tiết, cùng với việc chủ quan của nhiều phụ huynh khi không tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho trẻ”.

Cảnh báo 3 sai lầm khiến bệnh cúm dễ biến chứng nguy hiểm cha mẹ hay mắc khi chăm sóc con - Ảnh 1.

Trẻ nhỏ không tiêm phòng vắcxin cúm nguy cơ mắc cao khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

3 sai lầm khiến cúm trở lên nguy hiểm

Bác sĩ Hiền khuyến cáo, trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân của mùa cúm năm nay, bác sĩ Hiền nhận thấy trẻ mắc cúm gặp biến chứng thường do sai lầm trong quá trình chăm sóc như sau.

Sai lầm thứ nhất, trẻ bị cúm thường sốt rất cao 39-40 độ, nếu như không dùng thuốc hạ sốt đúng cách cho trẻ rất dễ dẫn tới co giật. Đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhi bị cúm sốt cao, nhưng cho mẹ chủ quan cho rằng cảm lạnh. Khi trẻ bị co giật mới đưa đến viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Hiền, sai lầm tiếp theo cha mẹ hay mắc phải là khi trẻ ho, nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ con ho do thời tiết và cho trẻ đi học như bình thường. Điều này khiến cho trẻ tiến triển nặng và lây lan bệnh ra cộng đồng, bạn cùng lớp…

Sai lầm thứ 3, bố mẹ thường mắc phải là khi con sốt đã tự ra quầy thuốc mua thuốc về uống. Việc uống thuốc khi chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ rất nguy hiểm, khiến trẻ bị điều trị sai bệnh và dễ gặp biến chứng.

“Trẻ bị sốt do cúm, phát ban, sởi bố mẹ thường kiêng không vệ sinh cơ thể. Đây là một trong những sai lầm khiến cho trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn và dễ gây ra biến chứng”, bác sĩ Hiền lưu ý.

Để tránh biến chứng do mắc cúm bác sĩ nhi khoa khuyến cáo khi trẻ có triệu chứng sốt cao, đau đầu, mệt mỏi nên đi khám bác sĩ để biết rõ nguyên nhân. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị và chăm sóc đúng cách, phòng biến chứng.

Cúm là bệnh do virút gây nên nhưng đã có vắc xin tiêm phòng, việc tiêm phòng có tác dụng phòng bệnh rất hiệu quả. Nên tiêm phòng vắc xin mỗi năm một lần. Nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao là trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; trẻ có bệnh mạn tính (bệnh tim bẩm sinh, suy tim, suy giảm miễn dịch…)

Ngoài ra, cần vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc với đồ chơi, cũng như không nên đến gần nơi nghi ngờ có mầm bệnh cúm.

Khi bị cúm chỉ dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ trở lên (theo chỉ định của bác sĩ), đảm bảo cân bằng nước điện giải, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường ăn nhiều rau quả và rau xanh, giữ vệ sinh sạch sẽ.

Bệnh cảm cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng cúm sẽ nghiêm trọng hơn. Những triệu chứng điển hình của bệnh cúm như sau:

– Những cơn sốt bắt đầu xuất hiện

– Có cảm giác ớn lạnh

– Nhức đầu

– Đau nhức cơ bắp

– Chóng mặt

– Ăn không ngon

– Mệt mỏi

– Ho

– Đau họng

– Chảy nước mũi

– Buồn nôn

– Cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực

– Đau tai

– Có thế xuất hiện triệu chứng tiêu chảy