Bé 13 tuổi bị ung thư dạ dày – đây là cảnh báo cho người Việt!

TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K trung ương, cho biết ông vừa phẫu thuật một trường hợp 13 tuổi bị ung thư dạ dày.

Ca bệnh đặc biệt

Bệnh nhân 13 tuổi nhập viện vì đi ngoài phân đen, nôn. Khi nội soi dạ dày bác sĩ phát hiện có khối u ung thư dạ dày ở phần hang vị.

TS Bình cho biết bệnh nhi này có tiền sử viêm loét dạ dày và có vi khuẩn HP nhiều năm đã điều trị nhưng bệnh vẫn tiến triển thành ung thư. Đây được xem là trường hợp hiếm vì tỷ lệ mắc vi khuẩn HP kèm theo viêm dạ dày ở trẻ em ngày càng tăng nhưng rất ít cháu bị tiến triển thành ung thư.

Tuy nhiên, TS Bình khuyến cáo khi bị viêm dạ dày cần điều trị triệt để và thăm khám thường xuyên kể cả người trẻ.

Còn đối với những bệnh nhân ngoài 20 tuổi thì mỗi năm gặp từ 10 – 20 ca. TS Bình cho biết trước đây đa số ở bệnh nhân trên 40 tuổi thì đến nay ung thư dạ dày đang có nhiều trẻ em.

TS Bình cho rằng có thể do “bữa ăn Âu hóa” đã kéo theo tỷ lệ người mắc các bệnh ung thư tiêu hóa gia tăng trong đó có ung thư dạ dày.

Theo TS Bình trên thế giới, ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hoá phổ biến. Theo ghi nhận Globocan năm 2018 ước tính trên thế giới có khoảng 1.033.000 người mắc ung thư dạ dày và số người tử vong chiếm gần 800 nghìn ca. 

Tại Việt Nam. TS Bình cho biết Việt Nam cũng là quốc gia được thống kê bằng dịch tễ học ung thư dạ dày đứng hàng thứ 3, sau ung thư gan và ung thư  phổi.

Bé 13 tuổi bị ung thư dạ dày - đây là cảnh báo cho người Việt! - Ảnh 1.

TS Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K trung ương

Ung thư dạ dày ở Việt Nam hay thế giới chẩn đoán bệnh nhân đến viện đa số ở giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc toàn thân. Chính vì thế, việc điều trị ung thư dạ dày hiện nay vẫn còn khó và tốn kém cả về thời gian cũng như tiền bạc cho bệnh nhân.

Tuổi ung thư dạ dày thường gặp bệnh nhân cao tuổi từ 40 trở lên nhưng thời gian gần đây có nghiên cứu cho thấy ung thư dạ dày đang trẻ hoá.

Dấu hiệu ung thư dạ dày

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ nào dẫn đến ung thư dạ dày, theo TS Bình các thống kê, nghiên cứu đưa ra các nhận xét yếu tố môi trường và chế độ ăn đây là yếu tố quan trọng đã được chứng mình. 

Ví dụ ăn nhiều hoa quả tươi, các chất giàu vitamien, chất xơ làm giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày trong khi các yếu tố ăn khác như thức ăn chứa nhiều nitrorat cao, thức ăn khô, hun khói, thiếu phương tiện bảo quản. Ngoài ra, ung thư dạ dày cũng có tác dụng vai trò của rượu và thuốc lá.

Yếu tố thứ hai, một trong các nghiên cứu có giá trị đó là vai trò của vi khuẩn HP trong ung thư dạ dày. HP gây viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột và loạn sản cuối cùng là ung thư.

Những người nhiễm vi khuẩn HP sẽ  làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày hơn 5 – 6 lần. Tuy nhiên tỷ lệ HP trong cộng đồng dân số trên thế giới tới 70 % nhưng không phải nhiễm HP là ung thư dạ dày. Chính vì thế, TS Bình nhấn mạnh những người nhiễm vi khuẩn HP cần điều trị triệt để và đặc biệt phải thường xuyên thăm khám dạ dày để phát hiện bệnh sớm nhất.

Những người bị viêm loét dạ dày kèm HP khi thấy có dấu hiệu đau thường xuyên, dai dẳng vùng thượng vị cần đến bệnh viện khám ngay. Bởi theo TS Bình nếu dạ dày bị viêm loét thì sẽ bắt đầu xuất hiện các cơn đau. 

Nhưng nếu nó là dấu hiệu ung thư dạ dày thì cơn đau thường xuyên và dai dẳng hơn. Các cơn đau cũng trở nên quặn thắt, dữ dội chứ không âm ỉ như lúc đầu. Bệnh nhân bị ung thư dạ dày có dấu hiệu nôn do lúc này khối u to chèn ép dạ dày gây nên. Ngoài ra có thể có dấu hiệu đi ngoài phân đen do chảy máu từ khối u.

TS Bình cho biết nếu phát hiện sớm ung thư dạ dày người bệnh chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ phần tổn thương do khối u, không cần điều trị hóa chất. Tuy nhiên, số bệnh nhân này rất ít và đa số phát hiện chậm qua thăm khám sức khỏe định kỳ.

TS Bình nhấn mạnh những người trên 40 tuổi cần nội soi dạ dày ống mềm ít nhất 1 năm 1 lần và có thể thực hiện ở ngay tuyến huyện hay phòng khám có trang bị nội soi dạ dày. Với những bác sĩ có kinh nghiệm, họ chỉ cần nhìn bằng mắt qua hình ảnh nội soi có thể chẩn đoán được ung thư dạ dày hay viêm loét thông thường.