Ăn nhiều chất hơn, người Việt vẫn không thay đổi tầm vóc vì thiếu sữa trong bữa ăn

Dù bữa ăn của người Việt nhiều chất hơn, nhưng chiều cao không cải thiện đáng kể. Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân – béo phì tăng do hệ lụy của chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Người Việt ăn nhiều chất nhưng không cân bằng dinh dưỡng

Tại Hội thảo quốc tế về Dinh dưỡng người Việt, GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng quốc gia Nhật Bản chia sẻ ngày nay con người ăn nhiều chất hơn nhưng chiều cao không thay đổi, là do không biết cân đối dinh dưỡng.

Dinh dưỡng hợp lý, đủ là cái gốc để phát triển tầm vóc. Trong lịch sử người Nhật cũng từng có thời kỳ con người thấp, lùn, suy dinh dưỡng do chế độ ăn không hợp lý.

Tuy nhiên, sau chiến tranh thứ hai trở đi chiều cao của người Nhật đã có thay đổi. Chiều cao trung bình của người Nhật hiện nay là 171,2m thuộc vào Top cao ở Châu Á, chỉ đứng sau Hàn Quốc.

Ăn nhiều chất hơn, người Việt vẫn không thay đổi tầm vóc vì thiếu sữa trong bữa ăn - Ảnh 1.

GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng quốc gia Nhật Bản chia sẻ tại hội thảo

GS.TS. Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, cũng giống như Nhật Bản, Việt Nam cũng từng có giai đoạn đói ăn, suy dinh dưỡng, chiều cao phát triển rất hạn chế.

Từ năm 1985 – 2017, tình trạng suy dinh dưỡng tại Việt Nam đã giảm do bữa ăn được cải thiện. Ngày nay, người Việt ăn đầy đủ nhiều chất hơn, nhưng chiều cao không thay đổi nhiều sau 32 năm.

Hiện nay, chiều cao trung bình của người Việt chỉ 164,4m, thua kém rất nhiều so với các nước trong khu vực và Châu Á.

“Chiều cao của người Việt không thay đổi nhiều, nhưng có sự tăng nhanh tỷ lệ người thừa cân béo phì ở tất cả các vùng nông thôn, thành thị. Nguyên nhân là do ăn uống không cân đối, ít hoạt động thể lực, ăn nhiều đồ ăn nhanh, quan điểm sai lầm thích trẻ bụ bẩm của ông bà, cha, mẹ…“, GS. Hợp nói.

Người Nhật đã ăn gì để thay đổi tầm vóc?

GS. Nakamura Teiji cho biết: “Chế độ ăn uống thiếu hụt và nghèo nàn là nguyên nhân cho tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, thể lực và sức đề kháng kém, tuổi thọ trung bình cũng rất thấp.

Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi từ năm 1945, ngoài lương thực viện trợ, chương trình sữa đã được đưa vào học đường”.

Năm 1951, bữa ăn học đường hoàn chỉnh bắt đầu được triển khai. Trong đó, sữa tươi là một phần không thể thiếu trong bữa ăn học đường. 

Năm 1954, Nhật ban hành Luật Bữa ăn học đường. Theo đó, tất cả các trường phải đăng ký về cách thức thực hiện chương trình bữa ăn học đường và số lần thực hiện mỗi tuần, trong đó các loại bữa ăn học đường đó là:

Bữa ăn hoàn thiện: Cơm hoặc bánh mì, sữa tươi và các đồ ăn nhẹ khác.

Bữa ăn phụ: Sữa tươi và các đồ ăn nhẹ

Sữa học đường: Chỉ cung cấp sữa tươi

Những tư vấn của GS. Nakamura Teiji cho thấy, sữa là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của trẻ Nhật Bản. Nhưng tại Việt Nam, bữa ăn của người Việt ăn nhiều chất hơn, trong đó nhiều chất béo, đạm, bột đường, ít rau xanh, nhiều muối.

Sữa lại thiếu vắng hoàn toàn trong bữa ăn của mọi lứa tuổi (trẻ nhỏ, người trưởng thành, người già).

Ăn nhiều chất hơn, người Việt vẫn không thay đổi tầm vóc vì thiếu sữa trong bữa ăn - Ảnh 2.

GS.TS. Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

GS.TS. Lê Thị Hợp cũng cho biết để nâng cao tầm vóc cho người Việt, Chính phủ đã đưa ra chiến lược can thiệp dinh dưỡng nâng cao tầm vóc Việt từ 2011- 2020.

GS Hợp cho biết, sẽ can thiệp tập trung vào 1000 ngày đầu đời từ khi phụ nữ có thai và trẻ dưới 24 tháng tuổi. Trẻ dưới 5 tuổi sẽ cải thiện chế độ ăn và bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi. Đẩy mạnh chương trình bữa ăn học đường có sữa học đường.